Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Nội soi dạ dày là gì? những điều cần biết

1/ Nội soi dạ dày là gì

Nội soi dạ dày là phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa gồm thực quản, dạ dày và tá tràng bằng cách đưa một ống soi mềm nhỏ qua đường miệng. Ống nội soi nhỏ có gắn chiếu sáng, camera thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình. Vì điều khiển được ống soi đi sâu vào ống tiêu hóa, nên bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet bên trong hệ tiêu hóa. 

2. Khi nào cần nội soi dạ dày?

Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày nhằm mục đích:

Chẩn đoán: Nội soi dạ dày giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý, xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu, khó nuốt, đau bụng…Khi cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành làm một xét nghiệm trong quá trình nội soi:

Làm Clo-test để chẩn đoán nhiễm H.Pylori (HP): Lấy một mẫu mô nhỏ nơi viêm hoặc loét cho vào một lọ đựng thuốc thử Clo-test, sau đó quan sát sự đổi màu của hóa chất. Nếu thuốc thử chuyển sang màu hồng, chứng tỏ có sự hiện diện của vi khuẩn HP, khi đó kết quả Clo-test dương tính (+).

Sinh thiết tìm ung thư: Bác sĩ lấy một mảnh mô nhỏ và quan sát dưới kính hiển vi để hiển thị các tế bào ung thư nếu có. Việc thực hiện sinh thiết này không gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân. 
Điều trị: Bằng những dụng cụ chuyên biệt luồn qua ống nội soi, bác sĩ có thể điều trị các bệnh lý liên quan đường tiêu hóa như: xuất huyết đường tiêu hóa, lấy dị vật trong đường tiêu hóa, cắt pô-lýp hoặc nong thực quản. 

Xem thêm 1 số bài viết liên quan khác



3. Thủ thuật nội soi dạ dày

Quy trình nội soi được thực hiện bởi ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng bên trái và ngậm một dụng cụ bằng nhựa để bảo vệ răng miệng và giữ cho miệng luôn mở. 

Trường hợp nội soi gây mê, bác sĩ tiêm một lượng thuốc vừa đủ vào tĩnh mạch trên cánh tay giúp bệnh nhân trải qua một giấc ngủ ngắn. Theo đó, thiết bị theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim cũng được gắn trên người bệnh nhân. 

Nội soi qua đường miệng:

Bệnh nhân sẽ được uống một loại thuốc để loại bỏ dịch nhầy trên niêm mạc, sau đó được xịt thuốc tê nhẹ ở miệng để làm giảm cảm giác khó chịu khi đưa ống soi vào.

Bác sĩ đưa ống nội soi mềm từ hầu họng qua thực quản xuống dạ dày. Hình ảnh từ camera trên đầu thiết bị nội soi sẽ truyền tải về màn hình, bác sĩ dựa vào đó có thể theo dõi và đưa ra các chẩn đoán. Trong quá trình nội soi, bệnh nhân không nói được nhưng vẫn thở bình thường. Một số người có cảm giác khó chịu, nghẹn thở hoặc buồn nôn. Lúc này chỉ cần hít thật sâu, thở ra chậm rãi để làm giảm các triệu chứng.



Nội soi qua đường mũi:

Bác sĩ nhỏ thuốc tê vào mũi để gây tê ở mũi và xịt thuốc tê vào miệng để gây tê cổ họng bệnh nhân. 
Ống soi đã bôi thuốc gây tê được luồn qua mũi xuống phần sau của miệng, bệnh nhân được yêu cầu nuốt nhẹ xuống. 

Ống soi tiếp tục đi qua thực quản và xuống dạ dày, camera sẽ truyền hình ảnh đến màn hình bên ngoài, bác sĩ sẽ theo dõi, nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ chụp lại để kiểm tra. 
Bác sĩ có thể bơm nhẹ không khí vào thực quản bệnh nhân để làm căng phồng ống tiêu hóa, giúp quan sát rõ hơn các nếp gấp và giúp ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn. Khi đó, bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi.

Khi cần thiết, bác sĩ sẽ luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học hoặc thực hiện những thủ thuật điều trị.

Kết thúc nội soi, ống soi sẽ được nhẹ nhàng rút ra khỏi miệng hoặc mũi bệnh nhân. Để phòng ngừa lây nhiễm một số bệnh như viêm gan, HIV hoặc nhiễm khuẩn HP, các dụng cụ sau khi nội soi cho mỗi bệnh nhân đều được rửa sạch và ngâm trong dung dịch khử khuẩn trước khi sử dụng lại.

Toàn bộ quy trình nội soi thường diễn ra trong 10 – 15 phút. Người bệnh thả lỏng cơ thể và thoải mái khi nội soi, thời gian thực hiện sẽ càng được rút ngắn lại.

4. Kết quả nội soi dạ dày

Thông thường bác sĩ sẽ trả kết quả ngay sau khi nội soi. Trường hợp có làm Clo-test để chẩn đoán nhiễm HP, bệnh nhân sẽ được hẹn 1 – 2 giờ sau đó. Kết quả sinh thiết có trong vòng 1 – 2 tuần. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về thời gian nhận kết quả nội soi và sinh thiết của mình. 

5. Những ai NÊN và KHÔNG NÊN nội soi dạ dày?

Đối tượng nên nội soi dạ dày:
  • Người có triệu chứng bất thường như: đau vùng ngực, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, khó tiêu, đi phân đen, đi ngoài ra máu…
  • Bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính nên nội soi dạ dày định kỳ (2 lần/năm), viêm dạ dày mức độ nhẹ và trung bình nên nội soi 3 năm/lần. 
  • Đối tượng có lối sống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia. 
  • Người có người thân mắc các bệnh về dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày, đồng thời phát hiện những bất thường ở vùng bụng trên.

Khi bác sĩ có chỉ định nội soi, người bệnh nên phối hợp nhiệt tình. Nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn, được áp dụng phổ biến nên người bệnh không cần quá lo lắng. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân cần được nội soi lại để đánh giá kết quả.

Đối tượng không nên nội soi dạ dày:

Hiện nội soi dạ dày không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên bác sĩ có thể hoãn nội soi nếu nghi ngờ bệnh nhân: 
  • Bỏng do uống axit
  • Thủng dạ dày hoặc thủng ở những nơi khác trong ống tiêu hóa
  • Suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim mới
  • Suy hô hấp
  • Có túi phình lớn ở động mạch chủ hoặc có túi thoát vị ở thực quản
  • Mắc chứng bệnh tâm thần không phối hợp
  • Mới ăn no.

6. Những lưu ý trước và sau khi nội soi dạ dày

- Lưu ý trước khi nội soi:

Nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi nội soi, nhằm ngăn ngừa tình trạng nôn, bảo vệ đường thở, đồng thời hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ vùng niêm mạc dạ dày có tổn thương hay không.

Không uống các loại nước có màu như: sữa, nước cam, coca cola, cafe…chỉ nên uống nước lọc với một lượng ít.

Không dùng thuốc băng niêm mạc dạ dày như: Gastropulgit, Phosphalugel… trước khi nội soi.
Nếu có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp (hen suyễn), bệnh thận hoặc dị ứng, cần trao đổi rõ với bác sĩ.
Nên thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng.

- Lưu ý sau khi nội soi:
  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về.
  • Một số vấn đề thường gặp: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng ở mức độ nhẹ và giảm dần trong ngày.
  • Súc miệng sạch, nhưng không khạc nhổ.
  • Không nên ăn uống bất cứ thứ gì sau nội soi 1 giờ hoặc trước khi có đánh giá của bác sĩ.
  • Khoảng 2 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, dùng sữa nguội, không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: